Hỏi
Chào bác sĩ,
Dạo gần đây, cháu thường khó ngủ, chán ăn, sụt cân và hay đau đầu. Cháu cảm thấy lo lắng, bồn chồn trong người. Về đêm khóc không có lý do, cháu thường hay mệt mỏi, run tay, tim đập nhanh và chán nản. Cháu không muốn tiếp xúc với mọi người và hay cáu gắt vô cớ. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi khó ngủ kèm sụt cân là dấu hiệu bệnh gì? Có phải cháu bị rối loạn lo âu hay trầm cảm gì không? Cháu cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Khó ngủ kèm sụt cân là dấu hiệu bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là tình trạng người bệnh có những triệu chứng chung, giống nhau của rối loạn lo âu và trầm cảm như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, cáu gắt, lo lắng, dễ xúc động, cảm thấy bi quan và tuyệt vọng. Trong đó, biểu hiện chủ đạo của rối loạn lo âu là lo lắng, lo sợ quá mức, còn trầm cảm là giảm khí sắc, buồn bã, chán nản, giảm quan tâm với tất cả mọi vấn đề xung quanh.
Hai bệnh này có thể xảy ra cùng lúc nhưng nguyên nhân dẫn đến mỗi bệnh lại khác nhau. Trầm cảm có thể sinh ra lo lắng, sợ hãi và rối loạn lo âu cũng có thể dẫn đến trầm cảm. Rối loạn lo âu thường kèm các vấn đề tâm lý khác như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm,…
Điều trị bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm bằng cách kết hợp các liệu pháp điều trị của rối loạn lo âu và trầm cảm. Tùy vào triệu chứng bệnh bác sĩ có thể tư vấn các liệu pháp sau:
- Nhận thức hành vi: Người bệnh được điều trị để làm giảm những suy nghĩ tiêu cực, thay vào đó bằng những suy nghĩ hữu ích và thực tế. Người bệnh cũng được hướng dẫn và luyện tập cách thức đối mặt với sợ hãi, lo lắng để có thể vượt qua lo âu và trầm cảm.
- Dùng thuốc điều trị: Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine serotonin (SSRI) được chỉ định cho bệnh nhân rối loạn lo âu hỗn hợp trầm cảm vì triệu chứng của hai bệnh thường xuất hiện cùng nhau. Nếu người bệnh không đáp ứng với một trong hai loại thuốc này sẽ được chỉ định loại thuốc khác. Việc sử dụng thuốc cần được theo dõi bởi có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, nhất là khi lạm dụng thuốc.
- Vận động tăng cường sức khỏe: Tập thể dục, vận động cơ thể tối thiểu 30 phút / ngày hoặc ngắn hơn nhưng với cường độ cao hơn có thể làm tăng sản sinh chất endorphin, giúp cải thiện tinh thần và sự tự tin ở bệnh nhân rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm.
- Thư giãn với bài tập thở: Yoga, thiền là những bài tập chú trọng vào hơi thở, giúp người bệnh giảm bớt lo lắng, thư giãn tâm trí với những suy nghĩ, hình ảnh tích cực, tốt đẹp về cuộc sống. Từ đó, cải thiện triệu chứng bệnh lo âu, trầm cảm.
Bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một loại rối loạn tâm thần phổ biến, chủ yếu do căng thẳng tâm lý gây ra, tuy nhiên bệnh có thể điều trị được bằng một số cách như dùng thuốc, thay đổi lối sống,… Nếu trong trường hợp các biện pháp trên không đem lại hiệu quả, người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Nếu bạn còn thắc mắc về khó ngủ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Nguồn tham khảo: Vinmec