Hỏi
Chào bác sĩ,
Con em có 2 đứa, 1 đứa sinh năm 2010, 1đứa sinh năm 2014. Đứa nào cũng bị hôi miệng, em kiểm tra răng cửa 2 bé thì bị sâu răng, sâu nó ăn gần hết 1, 2 cái răng rồi. Triệu chứng hôi miệng mới xuất hiện 2 ngày nay. Bác sĩ cho em hỏi nguyên nhân gây ra bệnh hôi miệng ở trẻ? Có phải sâu răng dẫn đến hôi miệng không? Bệnh này có chữa khỏi được không? Vì hiện tại dịch nên em chưa cho con đi khám được. Mong bác sĩ tư vấn, em cảm ơn.
Nguyễn Sỹ Dũng (1985)
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam – Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Nguyên nhân gây ra bệnh hôi miệng ở trẻ?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Hôi miệng ở trẻ em là hiện tượng chất nhầy tiết ra đọng lại trên lưỡi khi phân hủy gây ra mùi khó chịu. Nếu kéo dài có thể dẫn đến sâu răng, hỏng men răng.
Hôi miệng gây nên những mùi khó chịu khi trẻ thở, trò chuyện, làm trẻ mất tự tin trong giao tiếp. Có nhiều nguyên nhân gây hôi miệng ở trẻ nhưng 70% trường hợp là do răng miệng.
Trẻ em khỏe mạnh và cả người lớn cũng có thể là những đối tượng bị hôi miệng. Các nguyên nhân có thể gây hôi miệng ở trẻ em đó là:
- Khô miệng: Nếu trẻ thở bằng miệng, như khi trẻ bị ngạt mũi thì vi khuẩn trong miệng của trẻ có nhiều khả năng phát triển mà không bị ngăn cản.
- Dị vật: Như một hạt đậu, một món đồ chơi nhỏ hoặc một vật khác mà trẻ cho vào mũi có thể khiến chúng bị hôi miệng. Điều này đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.
- Vệ sinh răng miệng kém: Các vi khuẩn bình thường sống trong miệng và tương tác với các mảnh thức ăn còn sót lại giữa các khe răng, ở đường viền nướu, trên hoặc dưới lưỡi. Điều này sẽ gây ra hơi thở có mùi, đặc biệt nếu thức ăn ở trong miệng lâu.
- Thức ăn: Sự phân hủy của thức ăn trong và xung quanh răng có thể làm tăng vi khuẩn và gây ra mùi hôi. Ăn một số loại thực phẩm, chẳng hạn như hành, tỏi và gia vị, cũng có thể gây hôi miệng. Sau khi tiêu hóa những thực phẩm này, chúng sẽ đi vào máu, được đưa đến phổi và ảnh hưởng đến hơi thở của trẻ.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể gián tiếp gây hôi miệng bằng cách góp phần làm khô miệng. Những chất khác có thể bị phân hủy trong cơ thể để giải phóng các hóa chất có thể mang theo trong hơi thở của trẻ.
- Sâu răng, tích tụ cao răng hoặc áp xe răng: Các tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mức độ sâu răng của trẻ ở mọi lứa tuổi và gây hôi miệng. Bên cạnh đó, bệnh nướu (lợi) răng cũng có thể gây ra nhiều bệnh lý và gây ra tình trạng hôi miệng, tuy nhiên thường hiếm khi xảy ra ở trẻ em.
- Ngoài ra, trẻ mắc một số vấn đề khác như nhiễm trùng xoang, viêm amidan, trào ngược dạ dày hoặc dị ứng theo mùa cũng có thể gây hôi miệng.
Hai con bạn bị sâu răng cửa, hôi miệng bạn nên đưa con bạn đến khám và điều trị tại phòng khám Răng hàm mặt bệnh viện Vinmec, vì tình trạng sâu răng có thể dẫn đến mất răng, hôi miệng.
Nếu bạn còn thắc mắc về bệnh hôi miệng ở trẻ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Nguồn tham khảo: Vinmec