Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường – Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh – Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.
Siêu âm trong mổ được hội chẩn áp dụng khi gặp trường hợp phẫu thuật phức tạp, cần cân nhắc về phương pháp điều trị. Kỹ thuật siêu âm trong mổ có thể kết hợp điều trị giữa cắt tổn thương với phá hủy các khối u trong mổ (có thể phá hủy bằng sóng cao tần, tiêm cồn tuyệt đốt, áp lạnh, vi sóng…).
Bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy trình siêu âm trong mổ.
1. Siêu âm trong mổ là gì?
Siêu âm trong mổ là kỹ thuật sử dụng siêu âm đầu dò tần số cao trong mổ, giúp bác sĩ và phẫu thuật viên có thể dễ dàng xác định chính xác vị trí, kích thước vùng bị tổn thương và các cấu trúc giải phẫu xung quanh tổn thương (mạch máu, đường mật…) để có kế hoạch xử trí chính xác, phù hợp.
2. Quy trình siêu âm trong mổ
Người thực hiện kỹ thuật siêu âm trong mổ bao gồm bác sĩ chuyên khoa và hỗ trợ là điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên. Ngoài ra còn có bác sĩ gây mê.
Phương tiện sử dụng phục vụ trong quá trình siêu âm trong mổ:
- Máy siêu âm trong phòng mổ, thường dùng đầu dò phẳng- tần số cao từ 7,5- 15 mHz.
- Túi ni lông vô khuẩn được bọc đầu dò siêu âm.
- Phương pháp gây mê vô cảm.
Người bệnh đã được gặp bác sĩ khám mê để được giải thích và gây mê.
3. Kỹ thuật siêu âm trong mổ
Bác sĩ và kỹ thuật viên mặc áo vô khuẩn và bọc đầu dò siêu âm bằng túi nilon vô khuẩn.
Tiến hành làm siêu âm trong mổ. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ mổ có thể yêu cầu phẫu thuật viên giúp đỡ như hỗ trợ mở rộng vết mổ hoặc đưa các tạng cần thăm khám xuống vị trí để thuận lợi cho quá trình siêu âm.
Nguồn tham khảo: Vinmec