Rối loạn kinh nguyệt dẫn đến trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì là một vấn đề thường gặp ở những bé gái khi mới bước vào giai đoạn này. Khi thấy trẻ bị trễ kinh khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng liệu rằng đây có phải là một dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm hay không. Qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trễ kinh ở trẻ và cha mẹ của trẻ cần làm gì cải thiện tình trạng này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Kinh nguyệt là gì? Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Hầu hết các bé gái có kinh nguyệt lần đầu từ 10 đến 15 tuổi, tuy nhiên một số bé gái có thể có kinh sớm hơn hoặc muộn hơn.
Những nguyên nhân dẫn đến trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì, bao gồm:
- Ở giai đoạn này, buồng trứng chưa phát triển hoàn thiện và nội tiết tố không ổn định cùng những biến đổi liên tục trong cơ thể dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
- Các bệnh lý liên quan đến nội tiết, thiếu hụt cân nặng, thừa cân béo phì và stress cũng có thể làm cho tình trạng rối loạn kinh nguyệt diễn biến phức tạp.
- Thay đổi lớn trong lịch trình hoặc du lịch cũng có thể khiến chu kỳ kinh không đến đúng thời điểm dự kiến.
- Các yếu tố khác như sức khỏe thể chất yếu, làm việc quá sức, vận động mạnh, thường xuyên thức khuya, mang thai hay chế độ ăn uống không lành mạnh… cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
2. Trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì có sao không?
Để hiểu rõ liệu việc trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì có sao không, chúng ta cần nắm được đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt trong giai đoạn tuổi dậy thì.
2.1 Đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi dậy thì:
Kinh nguyệt thường kéo dài 5 ngày nhưng có thể ngắn hơn hoặc dài hơn và không nhất thiết giống nhau mỗi tháng. Điều này xảy ra do nồng độ hormone trong cơ thể có thể bị thay đổi giữa các chu kỳ, ảnh hưởng đến lượng máu kinh và thời gian hành kinh.
Chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng thường dao động từ 24 đến 35 ngày, tính từ ngày bắt đầu hành kinh của chu kỳ này đến ngày bắt đầu của chu kỳ tiếp theo. Trong hai năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu có kinh lần đầu, kinh nguyệt ở bé gái thường không đều và có thể bị rối loạn.
2.2 Vậy nên, trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì liệu có phải là vấn đề đáng lo ngại không?
Một cơ thể khỏe mạnh có thể vẫn gặp phải những vấn đề sức khỏe. Trễ kinh là một dạng rối loạn, là tình trạng bất thường của cơ thể. Tuy nhiên, đây là một tình trạng rối loạn nhẹ có thể được điều chỉnh thông qua lối sống hoặc quản lý tinh thần. Trong một số trường hợp, tình trạng bất thường này có thể cảnh báo cho một số vấn đề y tế cần được can thiệp hoặc điều trị kết hợp sau một mốc thời gian nhất định của sự rối loạn.
Sau lần hành kinh đầu tiên và trong vài năm đầu có kinh, việc trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì thường được coi là bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài đến tháng thứ 3, các bạn gái nên đi khám để nhận được sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.
Nếu trong vài năm trước kinh nguyệt đã khá ổn định nhưng bây giờ lại trễ kinh 2 tháng thì nên xem xét kỹ hơn liệu có phải trẻ có đang gặp phải các nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt đã được đề cập trước đây không. Trường hợp trễ kinh kéo dài 3 tháng trở lên dù trước đó chu kỳ đã ổn định được gọi là vô kinh thứ phát.
Nếu tình trạng trễ kinh ở tuổi dậy thì kéo dài và không được giải quyết kịp thời, có thể dẫn đến các vấn đề sau:
- Trễ kinh do stress, căng thẳng kéo dài hoặc rối loạn tâm sinh lý có thể dần phát triển thành trầm cảm.
- Tuyến yên (một tuyến nội tiết trong não có vai trò điều hòa chu kỳ kinh nguyệt) cũng có thể bị suy giảm chức năng, dẫn đến hiện tượng chậm kinh ở tuổi dậy thì.
- Trường hợp chậm kinh do suy buồng trứng sớm có thể dẫn đến việc teo nhỏ các cơ quan sinh dục và gây ra các bệnh lý liên quan đến buồng trứng.
- Trong khi đó, nếu trễ kinh xảy ra do huyết bị ứ đọng và không thoát ra được, có thể làm tử cung giãn căng quá mức. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể làm hỏng niêm mạc tử cung.
3. Những dấu hiệu của trễ kinh cần đến bác sĩ
Nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây thì bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ phụ khoa để được điều trị kịp thời.
- Hành kinh từ 7 ngày trở lên.
- Không xuất hiện kinh nguyệt từ 6 tháng trở lên.
- Ra máu kinh quá nhiều.
- Màu sắc máu kinh bất thường và có mùi hôi.
- Đau bụng dưới dữ dội.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Vùng kín cảm thấy ngứa ngáy hoặc sưng đỏ.
- Tiết dịch và khí hư bất thường ở vùng kín.
4. Các biện pháp giải quyết vấn đề trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì
4.1. Chậm kinh do khủng hoảng tâm lý
Dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi trẻ em sang tuổi trưởng thành, vì thế các vấn đề về sinh lý, hình thể và tâm lý sẽ trải qua những thay đổi lớn, thường dẫn đến khủng hoảng tâm lý. Áp lực từ những thay đổi đáng kể trong cơ thể, áp lực học tập, mâu thuẫn với gia đình do thiếu sự thấu hiểu và chia sẻ cùng với việc bị bạn bè trêu chọc có thể khiến các bạn tuổi dậy thì cảm thấy stress.
Khủng hoảng tâm lý ở tuổi dậy thì có thể trở thành nguyên nhân ban đầu cho nhiều rối loạn hành vi và thể chất, trong đó có trễ kinh 2 tháng. Bởi vì, chu kỳ kinh nguyệt là một trong những thứ phản ảnh rõ ràng về tình trạng sức khỏe của phụ nữ.
Để giải quyết vấn đề chậm kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì do khủng hoảng tâm lý, cần phối hợp nhiều yếu tố như lối sống lành mạnh, sự thấu hiểu và chia sẻ từ phụ huynh, chế độ ăn uống cân bằng, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao nhẹ nhàng. Nỗ lực tạo ra một môi trường vui vẻ và thoải mái, đồng thời giảm bớt áp lực công việc và học tập cũng rất quan trọng.
4.2. Ăn uống lành mạnh giúp giải quyết vấn đề trễ kinh 2 tháng tuổi dậy thì
Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, chất xơ… điều này có thể giúp giảm stress và phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt. Hãy tránh thực phẩm quá lạnh, quá cay, quá béo, cũng như rượu bia và các chất kích thích khác.
Ngoài ra, chậm kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì cũng có thể là do rối loạn ăn uống. Trẻ ám ảnh về hình thể và mong muốn sụt cân nhanh, dẫn đến các hành vi như ăn uống không điều độ, bỏ ăn, nôn hoặc chán ăn. Vì vậy, bố mẹ nên lưu ý nếu có con gái đang trong độ tuổi dậy thì và có những biểu hiện này.
4.3. Kiểm soát cân nặng hợp lý
Cơ thể quá béo hoặc quá gầy cũng như sự thay đổi cân nặng nhanh chóng có thể gây ra vấn đề trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì. Do đó, nên chú ý kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thể thao phù hợp.
4.4. Không thức quá khuya để tránh tình trạng chậm kinh 2 tháng tuổi dậy thì
Thức khuya có thể gây rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, ảnh hưởng đến chu kỳ rụng trứng và khiến kinh nguyệt không đều. Đối với thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì, việc ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm là rất quan trọng. Hãy cố gắng đi ngủ sớm và ngủ thật sâu để duy trì sức khỏe tốt.
4.5. Tập luyện các môn thể dục thể thao
Tập luyện thể dục thể thao không chỉ giúp cải thiện thể chất mà còn giúp thư giãn tinh thần và giải tỏa áp lực. Việc này thúc đẩy lưu thông máu, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, đồng thời giúp cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Tuy nhiên, nên tập luyện nhẹ nhàng, tránh các bài tập quá sức, nhất là trước khi hành kinh để tránh làm trễ kinh.
4.6. Bổ sung sắt
Bổ sung sắt trước và sau kỳ kinh có thể giúp ngăn ngừa đau bụng kinh cũng như cải thiện rối loạn kinh nguyệt. Nếu sau khi áp dụng nhiều biện pháp mà tình trạng không được cải thiện hoặc nếu trễ kinh kéo dài, các bậc phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Vấn đề trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì là điều bình thường, do cơ thể phát triển vẫn chưa hoàn thiện và nội tiết tố chưa ổn định. Tuy nhiên, nếu tình trạng chậm kinh kéo dài thì bố mẹ nên đưa con đến bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh tình trạng nghiêm trọng hơn.
Nguồn tham khảo: Vinmec